Tin cập nhật

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Truyền nhân thứ 5 làng nghề đúc đồng Ý Yên, Founder Đồ Đồng Hưng Thịnh dựng nghiệp truyền thống bằng con đường bắc cầu

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của làng nghề đúc đồng truyền thống Ý Yên, Nam Định. Nghề đúc đồng là nghề “cha truyền con nối” trong gia đình, đến thế hệ anh Trần Đình Hưng là truyền nhân thứ 5, nên “lửa nghề” ngấm vào máu từ khi còn nhỏ và sáng lập thương hiệu Đồ Đồng Hưng Thịnh bằng con đường bắc cầu. 

Anh Trần Đình Hưng - Người sáng lập thường hiệu Đồ Đồng Hưng Thịnh.

Anh Trần Đình Hưng, TGĐ CCTTNHH Linh Thịnh Hưng – Người sáng lập thường hiệu Đồ Đồng Hưng Thịnh. 
Khi được hỏi về những kỷ niệm ngày nhỏ tại làng nghề Ý Yên, Nam Định, anh có chia sẻ: 

“Tôi sinh ra và lớn lên ở đất làng nghề đúc đồng truyền thống, Ý Yên, Nam Định. Nghề đúc đồng là nghề “cha truyền con nối”, đến đời tôi là thế hệ thứ 5. 

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với đất với đồng với tinh thần cần mẫn, tỷ mỷ, khéo léo của các nghệ nhân trong làng. Đám trẻ con chúng tôi, thường phụ giúp bố mẹ và các chú các bác những công đoạn dễ dàng nhất như làm đất hay chăm chú quan sát các thao tác tạo mẫu để bắt chước theo. 

Dường như, lửa nghề “đúc đồng” truyền thống của cha ông đã ngấm vào máu của chúng tôi một cách tự nhiên nhất.” 

Lửa nghề đúc đồng đã thấm vào linh hồn từ thơ bé 

"Từ khi còn nhỏ, Hưng nó đã bộc lộ là một người vô cùng chăm chỉ: Nó thường cùng bạn bè phụ giúp các công đoạn dễ nhất như làm đất hay tạo một số mẫu hoa văn đơn giản. Hưng rất có tố chất, nó học gì cũng rất nhanh và sáng tạo." Một nghệ nhân ở làng nghề Ý Yên, Nam Định rất hồ hởi chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi về anh Trần Đình Hưng. 

Chẳng biết chính xác nghề đúc đồng nước ta ra đời tự bao giờ nhưng nghề đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định đã có truyền thống và lịch sử hơn 900 năm. 

- Ở nơi đây, từ tinh mơ đến tận sẩm tối, đâu đâu cũng gặp hình ảnh những bếp lò đỏ rực lửa. Những người nghệ nhân của làng nghề vẫn đang hàng ngày cần mẫn, tỉ mỉ tạo ra những sản phẩm đồ đồng tinh xảo. 

- Mỗi sản phẩm hoàn thiện, chất chứa trong đó sản phẩm tinh luyện của người thợ, nhưng hơn thế nó còn mang theo cả tâm tư của những người dân làng nghề. 

Rời đi để một ngày trở lại – Dựng nghiệp truyền thống bằng cách bắc cầu 

Với anh Trần Đình Hưng, một người trẻ luôn canh cánh trong lòng mong muốn phát triển nghề truyền thống của cha ông. Thì dù đi đâu, làm gì anh vẫn muốn quay trở về quê hương để nối nghề nghiệp Tổ. 

“Năm 16 tuổi tôi đã đi ra ngoài làm kinh tế rồi. Lúc đó, tôi ra đi cũng chỉ vì một mong muốn là có ngày quay trở lại quê hương để phát triển nghề đúc đồng truyền thống của cha ông. 
Bởi khi đó mình còn quá nhỏ, chưa đủ khả năng theo nghề và phát triển nghề nên mình chuyển sang một hướng khác đó là làm nghề gỗ. 

Anh Trần Đình Hưng phát triển đi lên từ ngành gỗ. 

Cả chục năm lăn lộn, bươn trải, tích cóp cả về kinh tế, kiến thức đã khiến tôi từ một cậu bé ham chơi giờ đây đã có đủ tự tin để quay trở về góp sức cho quê hương và mong muốn phát triển và gìn giữ những nét văn hóa của dòng tộc mình. 
Đặc biệt, tượng đức Thánh Trần là một biểu tượng đầy tự hào của dòng tộc họ Trần nói riêng và của cả Việt Nam nói chung, mà tôi rất muốn lưu giữ và phát triển.” 

Ra đi để lập nghiệp, làm giàu. Và khi đã thực sự có đủ điều kiện, anh quyết tâm trở lại quê hương, trở lại làng nghề đúc đồng Ý Yên, Nam Định, quay lại với cái nghề đã gắn sâu trong linh hồn từ thuở xưa. 

Anh Trần Đình Hưng kể lại: “Năm 2015, tôi đứng ra thành lập Công ty TNHH một thành viên Linh Thịnh Hưng, về cơ bản thì tôi đã triển khai và kinh doanh từ năm 2010. Nhưng phải 5 năm sau tôi mới chính thức hợp thức hóa để phát triển, mở rộng. 

Hiện tôi đang đưa thương hiệu đồ đồng của Ý Yên, Nam Định ra được rất nhiều thị trường khác nhau, cả trong Nam, ngoài Bắc với tên gọi Đồ Đồng Hưng Thịnh.” 

Bộ ngai bằng đồng - Đồ Đồng Hưng Thịnh

Một sản phẩm bằng đồng được làm ra, là sự kết tinh tâm huyết và tài năng của người thợ. Và với lớp người trẻ tuổi như anh Trần Đình Hưng, ngoài yếu tố truyền thống, sự sáng tạo trong việc áp dụng phương pháp mới để tạo ra sản phẩm không những giữ được dáng vẻ xưa cũ mà còn có sự sáng tạo, đặc sắc hơn luôn được anh chú trọng. Làm sao để người nghệ nhân bớt nhọc nhằn, các sản phẩm làm ra ngày càng đẹp mắt và tinh xảo là một bài toán đầy thách thức? 

Anh luôn trăn trở, tìm tòi học hỏi, tiếp thu kiến thức mới để cùng những người nghệ nhân làng nghề đưa sản phẩm của quê hương không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. 

Tiếp nối truyền thống nhưng không ngừng sáng tạo, đổi mới 

"Hiện nay, thời đại công nghiệp hóa, máy móc đã dần thay thế con người ở mọi công đoạn, nghề đúc đồng cũng đang đứng trước sự cạnh tranh rất lớn từ những công ty nước ngoài sản xuất đồ đồng theo hướng công nghiệp. 

Nên chúng tôi cũng đã không ngừng đổi mới và sáng tạo để vừa có thể cải tiến cũng như bớt sự vất vả cho các nghệ nhân lại vừa có thể giữ được những tinh hoa trong nghề đúc đồng truyền thống của cha ông – đất làng nghề Ý Yên, Nam Định." - Anh Hưng bộc bạch.  

Hoạ tiết tinh tế với các đường nét rõ ràng, sắc nét qua bàn tay người nghệ nhân Ý Yên, Nam Định
Đồ Đồng Hưng Thịnh

Thuở xưa, người dân làng chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng bằng đồng, đỉnh đồng, lư hương. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng với những bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc. 

Đặc biệt, trong đó có sản phẩm tượng Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn là một sản phẩm rất tinh xảo và vô cùng đặc biệt của làng nghề. 

Tâm huyết với tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn một cách lạ kỳ 

Hình ảnh người anh hùng dân tộc, vị chủ soái tài ba hiện lên vô cùng trang nghiêm. Ông đứng hiên ngang, tay phải cầm Cuốn thư, tay trái “đặt” lên Đốc kiếm, thể hiện bản lĩnh và ý chí hơn người, văn võ song toàn. Là vật phẩm phong thủy được rất nhiều người ưa chuộng. 


Khi được hỏi về lí do tại sao là đặc biệt tâm huyết với tượng đức Thánh Trần, anh Trần Đình Hưng đầy hăm hở chia sẻ: 

Tượng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Không chỉ với những người con họ Trần, những người con Việt nói riêng mà cả trên Thế giới nói chung, chúng ta đều có thể tự hào về một vị anh hùng trong lịch sử, mà khí phách, trí tuệ, tài năng và mưu lược của ông có thể sánh ngang với các vị tướng tài trên thế giới. 

Tôi rất mong muốn, mỗi một gia đình có thể sở hữu một bức tượng Đức Thánh Trần. Đó không chỉ là sự kết nối riêng của những người con trong dòng tộc họ Trần mà như là sự nhắc nhớ về nguồn cội, về bản lĩnh cũng như trí tuệ của cha ông đã gìn giữ bờ cõi non sông đất nước.” 

Là sự tiếp nối, là sự tôn vinh và quảng bá văn hoá, nghệ thuật và truyền thống Việt Nam 

Không chỉ là một người con tâm huyết với nghề, là một doanh nhân thành đạt, anh Trần Đình Hưng còn là một người mang trong mình nhiệt huyết với văn hóa dân tộc. Anh mong muốn kết nối và mang những giá trị truyền thống cha ông quảng bá rộng rãi khắp trong và ngoài nước. 

Anh Trần Đình Hưng tặng tượng Đức Thánh Trần
trong một chương trình ra mắt Hội doanh nhân họ Trần

Anh thường xuyên tổ chức, cũng như trao tặng những sản phẩm tinh hoa của đất Ý Yên, Nam Định đến với các vùng, miền trên cả nước. 

Kinh tế phát triển, nhu cầu của người dân về sản phẩm đúc đồng tăng lên kéo theo sự phát triển của làng nghề. Tuy nhiên chỉ vì yếu tố kinh tế, có lẽ nhiều người sẽ chọn công việc khác thay vì đúc đồng, bởi công việc này quá vất vả. 

Trong tiềm thức sâu sa hơn, họ chọn nghề còn bởi đó là di sản ông cha họ truyền lại. 

Thời buổi kinh tế thị trường, nghề truyền thống ngày bị mai một thì anh Trần Đình Hưng càng muốn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. 

Anh Trần Đình Hưng chia sẻ: “Tôi rất mong muốn, mình cũng như thế hệ trẻ hôm nay, cố gắng tiếp nối cũng như phát triển ngành nghề truyền thống mà cha ông đã để lại. Không bị mai một mà ngày càng vươn xa hơn, không chỉ trong nước mà còn quảng bá ra thị trường nước ngoài. Để những nét văn hóa mãi mãi được trường tồn, như dòng chảy của lửa đồng, lửa nghề mãi chảy trong tình yêu của những người con làng nghề đúc đồng trên khắp đất Việt.” 


Với tâm huyết ấy anh Trần Đình Hưng cùng các cộng sự đã dần chinh phục được niềm tin của khách hàng và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương, giúp sản phẩm làng nghề vươn xa hơn ra thị trường. 

Trải qua những thăng trầm, sự phát triển của các ngành nghề công nghiệp hiện đại nhưng nghề đúc đồng truyền thống Ý Yên, Nam Định vẫn sống mãi. Bởi nơi đây, có những người con vẫn đau đáu với nghề, muốn lưu giữ cái hồn cốt văn hóa nghìn đời như anh Trần Đình Hưng, như Đồ Đồng Hưng Thịnh.  

Ghi chú: 
Bắc cầu: Nối tiếp vào giữa để cho hai khoảng thời gian liền mạch, không bị gián đoạn.
Dựng nghiệp bằng con đường bắc cầu: Tại đây, tác giả minh hoạ cho việc anh Trần Đình Hưng không trực tiếp xây dựng đồ đồng Hưng Thịnh trước. Thay vì đó, anh ra ngoài lập nghiệp và tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế. Đến khi kinh tế bền vững, anh mới quay lại phát triển nghề truyền thống. 
Nguyễn Yến

Share this:

Đăng nhận xét

 
DIỄN ĐÀN CHỦ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Diễn đàn Chủ doanh nghiệp. Designed by OddThemes