Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, tiếp thị đều chỉ ra, người tiêu dùng đang thay đổi cách mua sắm, thay vì đến cửa hàng họ chỉ cần ngồi nhà, lên mạng và chọn đồ. Tiềm năng của thương mại điện tử (e-commerce) tại Việt Nam rất lớn nhưng thực tế lại cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng này.
Trong báo cáo vừa được công bố hôm 7-9, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp cần tập trung vào nguồn tăng trưởng mới. Đó là người tiêu dùng kết nối (connected spenders), những người thường xuyên kết nối với internet và đồng thời là những người sẵn sàng chi tiêu ở mức cao.
Bởi lẽ, theo nghiên cứu được thực hiện đồng thời bởi Nielsen và Demand Institute thì đến năm 2025, người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm gần 40% dân số toàn cầu và đóng góp hơn 50% tổng mức tiêu dùng hằng năm trên toàn thế giới.
Và Việt Nam, như nhiều nước đang phát triển khác gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số có số lượng người tiêu dùng này vào dạng cao nhất toàn cầu.
Cụ thể, vào năm 2015, tại Việt Nam, số lượng nhóm này là 23 triệu người và được dự đoán sẽ tăng lên 40 triệu vào năm 2025. Đây là những người được đánh giá là có hiểu biết về công nghệ, kĩ thuật số có mức sẵn sàng chi tiêu rất cao, thậm chí sẵn sàng chi trả cao hơn mức thu nhập của họ.
Trong số này, theo Nielsen Việt Nam, khoảng 1/3 (34%) là những người trẻ, có độ tuổi từ 21 – 34. Còn nếu phân loại theo thu nhập thì hơn ¾ là tầng lớp có mức thu nhập cao (76%) và khoảng 2/3 đến từ tầng lớp trung lưu (62%) và 43% đến từ nhóm có thu nhập thấp hơn.
Những người tiêu dùng này cũng được nhận xét là có xu hướng mua sắm đa kênh. Theo đó, khoảng 80% nghĩ rằng mua sắm trực tuyến là thuận tiện. Nhưng trước khi quyết định mua, họ sẽ thu thập và tìm kiếm thông tin về sản phẩm để tham khảo từ cả hai nguồn trực tuyến (qua các kênh như website bán hàng, nhận xét từ mạng xã hội) và trực tiếp tại cửa hàng. Cũng có rất nhiều người sẽ trực tiếp xem sản phẩm tại cửa hàng rồi đặt hàng trên mạng vì rất quan tâm vấn đề giá và luôn tìm kiếm các chương trình khuyến mãi.
Chính vì vậy, theo Nielsen Việt Nam, các doanh nghiệp cần coi đây là nguồn lực tăng trưởng mới để tập trung nguồn lực khai thác.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, không chỉ nhìn vào yếu tố thu nhập bình quân mà còn phải để ý đến thái độ sẵn sàng mua sắm và mức độ tự tin trong việc chi trả. Có thể người tiêu dùng kết nối có thu nhập thấp nhưng họ lại sẵn sàng mở hầu bao khi cần.
Tiềm năng của thị trường Việt Nam ở kênh e-commerce cũng được Công ty tiếp thị thương mại điện tử Criteo (Singapore) đánh giá rất cao. Khảo sát của của Criteo với người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, hơn 50% dân số hiện đã sử dụng internet; 44,3% hộ gia đình Việt Nam đã có điện thoại thông minh (smartphone) và từ 2011 đến 2015 khách hàng mua sắm trên mạng đã tăng 129% và dự báo trong 3 năm tới sẽ có thêm 10 triệu người mua sắm online.
Vậy, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang khai thác được tiềm năng này đến đâu?
Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam nhưng 43% doanh thu là qua các tài khoản Facebook bán lẻ; 57% còn lại mới là trên các trang mua sắm trực tuyến chính thống.
Đặc biệt, theo tính toán của Kantar Worldpanel, miếng bánh online đến 2016 chỉ mới chiếm 0,4% trong tổng doanh thu của thị trường bán lẻ. Kantar Worldpanel dự đoán, đến 2025, miếng bánh online sẽ tăng lên 2,2% với 25% người mua sắm bằng kênh này.
Thực tế này cũng phần nào được thể hiện qua việc, cho đến thời điểm này, các công ty thương mại điện tử vẫn chưa thể báo lời dù đầu tư rất lớn. Cũng có rất nhiều "đại gia" hăm hở bước vào thị trường Việt Nam nhưng rồi phải bán lại cho đối thủ hoặc đóng cửa.
Đăng nhận xét