Tin cập nhật

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Thị trường Việt bị doanh nghiệp Thái ào ạt phủ sóng

Từ bán lẻ đến bán buôn, từ hàng thời trang, đồ gia dụng đến hàng tiêu dùng đều lần lượt chứng kiến sự góp mặt của doanh nghiệp Thái tại thị trường Việt Nam.
Phủ sóng mọi trận địa

Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam có động thái thâm nhập thị trường của nhau mạnh hơn, nhằm khai thác tiềm lực của thị trường Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với dân số lên đến 600 triệu người và tổng GDP lên tới 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện diện ở Thái Lan, ngoại trừ “ông lớn” Vietjet Air đã đầu tư vào thị trường này hơn 150 triệu USD. Còn lại chủ yếu các doanh nghiệp Thái Lan đang dồn sức “đánh chiếm” tổng thể thị trường Việt.

Các nhà đầu tư từ Thái Lan tập trung nhiều vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng và hoá chất. Cách nhanh nhất để họ thâm nhập thị trường là thông qua các thương vụ M&A. Trong đó, hai tên tuổi lớn nhất là Tập đoàn TCC chi 655 triệu euro (tương đương 704 triệu USD) mua lại toàn bộ chuỗi Metro Cash & Carry Việt Nam và Central Group chi 920 triệu euro (khoảng 1,05 tỷ USD) mua lại Big C Việt Nam.

Sau khi 2 thương vụ này được hoàn tất, chỉ trong vòng 1 năm, TCC và Central Group đã tính nước thay đổi chiến lược, trước mắt là đổi tên thương hiệu. Ngoài ra, cách bài trí gian hàng trong siêu thị cũng được điều chỉnh để tiếp cận khách hàng thuận tiện nhất. MM Mega Market còn có thêm các sản phẩm mới và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
TCC Group cũng tìm nhiều cách khác nhau để đưa hàng Thái vào MM Mega Market.
Hệ thống các công ty của tỷ phú Charoen - với công ty trung tâm là TCC Holdings - đang có hàng chục khoản đầu tư lớn nhỏ tại Việt Nam, hiện diện trên rất nhiều lĩnh vực như phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống và tất nhiên không thể thiếu được bất động sản. Thương vụ mua lại Metro cũng góp phần nâng tổng giá trị các khoản đầu tư trực tiếp và gián tiếp của TCC tại Việt Nam lên đến gần 2 tỷ USD.

Việc tiếp quản Metro cùng với thương vụ công ty con Berli Jucker mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group từ năm 2013 sẽ giúp tỷ phú Charoen có được vị thế vững chắc trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Còn Central Group dự kiến sẽ hoàn tất việc đổi tên chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam trong năm nay, dù có quyền sử dụng thương hiệu này trong 10 năm tới. Central Group đang thực hiện tham vọng bành trướng hoạt động tại Việt Nam kể từ khi nhà bán lẻ này bắt đầu hoạt động tại đây từ năm 2011 thông qua đối tác Nguyễn Kim.
Hiện Central Group sở hữu hai cửa hàng Robins tại Hà Nội và TP.HCM, hai cửa hàng Marks & Spencer, 27 cửa hàng Supersports, 21 siêu thị điện máy Nguyễn Kim và 13 siêu thị Lan Chi tại Việt Nam. Cùng với chiến lược đổi tên thương hiệu Big C ở Việt Nam, Central Group đã thay đổi chiến lược, dừng việc sản xuất nhãn hàng riêng Big C đã triển khai ở Việt Nam từ 6 năm trước.
Động thái trên khiến giới chuyên môn cho rằng, Central Group gia tăng đầu tư vào kênh bán lẻ còn vì muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng Thái ở Việt Nam. Tại siêu thị Lan Chi, sau khi đón Central Group, hàng hóa Thái đã chiếm nhiều vị trí trên các kệ hàng. Tỷ lệ hàng Thái tại Big C Việt Nam có thể chưa cao, nhưng một vài năm tới, chắc chắn sẽ được nâng lên.



Như vậy, từ bán lẻ đến bán buôn, từ hàng thời trang, đồ gia dụng đến hàng tiêu dùng đều lần lượt xuất hiện doanh nghiệp Thái. Với những đổi thay này, có thể lúc đầu người tiêu dùng Việt Nam được lợi, nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt sẽ vất vả hơn trong cuộc chơi mới.


Share this:

Đăng nhận xét

 
DIỄN ĐÀN CHỦ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Diễn đàn Chủ doanh nghiệp. Designed by OddThemes