TAG cũng xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết tự nguyện trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với lý do tìm kiếm đối tác chiến lược, tái cơ cấu công ty. Sau đó, cổ phiếu TAG sẽ đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).
Hội đồng quản trị TAG cũng cho biết, sau khi hủy niêm yết, nếu cổ đông có yêu cầu, công ty sẽ mua lại cổ phiếu đó làm cổ phiếu quỹ.
Tin đồn về thương vụ M&A nói trên xuất hiện từ cuối tháng 7 sau khi Thế Giới Di Động xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thông qua việc tăng ngân sách thực hiện M&A (mua bán sáp nhập) trong năm nay lên 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt trước đó. Ngân sách này chủ yếu dành cho thương vụ mua lại chuỗi điện máy và chuỗi cửa hàng dược phẩm. Nguồn tin của VnExpress sau đó cũng xác nhận việc chuyển nhượng đã hoàn tất, song đại diện của Thế Giới Di Động và Trần Anh đều từ chối cung cấp thông tin.
Theo một số chuyên gia chứng khoán, nếu thương vụ này thành công sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho cả TAG và MWG, từ đó nâng cao mức giá kỳ vọng của nhà đầu tư. Ngoài ra, mức thị giá chênh lệch gấp 3 lần giữa hai cổ phiếu này cũng giúp TAG có triển vọng tăng giá mạnh hơn.
Hệ thống điện máy Trần Anh hiện sở hữu 39 trung tâm tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung. Hà Nội là thị trường lớn nhất được Trần Anh phủ tới 14 điểm bán. Trong khi đó, chuỗi Điện máy xanh (thuộc Thế Giới Di Động) hiện vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường miền Bắc, nhất là khu vực trung tâm thủ đô, còn đối tác lại có khoảng 40 cửa hàng phủ rộng khắp.
Đăng nhận xét