Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thay vì nghĩ "khó" tức đòi hỏi thị trường có hàng loạt lập trình viên trình độ như FPT hay Viettel thì chỉ cần nghĩ khác, mỗi người dân cần biết lập trình cơ bản để giải bài toán của chính bản thân, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một "dân tộc lập trình", đón sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cách đây ít lâu, rất nhiều doanh nghiệp lớn, chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã ngồi lại với nhau bàn về câu chuyện cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đã trở thành một xu thế tất yếu, không thể cưỡng lại được, cho dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn.
Một trong những vấn đề đó, đến từ chất lượng nguồn nhân lực. Đánh giá về nguồn nhân lực của Việt Nam trong thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng không ít lần buông tiếng thở dài. Nhưng rồi cơ hội đến trước mắt, không “đón sóng” sao được?
Số hoá từ trường học đến doanh nghiệp
Trong lần gặp gỡ một tỷ phú ở New York, TS. Lê Xuân Nghĩa đã mang chuyện nhân lực trước làn sóng 4.0 ra trao đổi. Vị này nhận xét, vấn đề giờ không chỉ đơn giản là đào tạo công nghệ thông tin, điều quan trọng là phải biến tất cả những gì chúng ta biết thành số hoá.
Ví dụ, ở các trường đại học, những môn học quen thuộc phải thay đổi, đào tạo sinh viên dưới dạng số hoá, như thế mới bắt kịp được xu hướng.
“Vẫn những kỹ năng đó, vẫn kiến thức đó nhưng phải được thay đổi cách thức, phải số hoá chúng”, vị tỷ phú nói.
Ông cũng nói thêm rằng các doanh nghiệp dần cũng phải số hoá toàn bộ quy trình quản lý. Bởi chỉ như thế mới dần tạo ra nếp suy nghĩ, phương thức hành động hay thói quen để phát triển mạnh mẽ hơn.
Toàn dân lập trình nhờ... tham gia "nghĩa vụ quân sự bắt buộc"
Theo nhiều chuyên gia, để đón đầu được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần một nguồn nhân lực là kỹ sư lập trình. Nhưng để đào tạo ra hàng loạt lập trình viên lại là một bài toán khó.
“Lập trình viên cấp cao nếu theo cách nghĩ thông thường thì Viettel chúng tôi chỉ có vài nghìn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Viettel nói.
Ông cho rằng nếu nhìn nhận cần có một đội ngũ đông đảo lập trình viên trình độ như FPT hay Viettel là rất khó, thậm chí là không khả thi, nhưng “chỉ cần nhìn khác đi một chút thì...”.
Đó là việc mỗi người Việt Nam cần phải trở thành một lập trình viên ở một dạng ngôn ngữ cao, phục vụ cho chính bản thân, nhu cầu công việc của mình và kết nối được vào Internet.
“Lập trình ở mức đấy thì rất đơn giản, chúng ta nên đặt vấn đề trở thành nguồn nhân lực số ở khía cạnh này”, CEO Viettel nói.
Lấy ví dụ ở nghề báo, ông Hùng cho rằng nghề này rất cần lập trình. Bởi lẽ ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, nếu làm báo chỉ thuần đưa tin thì sẽ không còn là làm báo nữa.
“Có quá nhiều người làm vậy rồi, làm báo bắt buộc trở thành người phân tích tin, phải xử lý dữ liệu, mà như thế cần có khả năng lập trình”, ông Hùng phân tích.
Thay đổi đề bài đồng nghĩa với thay đổi cách giải toán. Theo đó, CEO Viettel dẫn ra câu chuyện của những nước đã “hoá rồng” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 như Israel, Singapore hay Hàn Quốc và nhận thấy ở họ đều có điểm chung: “Thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc”.
“Giả sử Việt Nam cũng có chính sách ấy thì sẽ tạo ra một tinh thần kỷ luật dân tộc. Bên cạnh đó, 9 tháng trong môi trường quân đội nếu dành ra 1-3 tháng dạy lập trình thì rất nhanh chóng chúng ta có một dân tộc lập trình. Đây là bài toán mang tính dễ làm, dễ hơn rất nhiều so với cải cách giáo dục hay xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế”, CEO Viettel nhận xét.
CEO Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng chúng ta cũng nên chia ra làm 2 loại lập trình viên, một là “cao cấp” như FPT chuyên làm những dự án hợp tác với nước ngoài, và một loại khác, lập trình để giải bài toán của cá nhân bằng những ngôn ngữ rất cao.
“Như vậy, trong thời gian ngắn Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc lập trình công nghệ số”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Trí thức trẻ
Đăng nhận xét