Nguyên tắc làm việc của bà Phạm Thị Việt Nga - 'người đàn bà thép' của Công ty Dược Hậu Giang là phải luôn điều hòa nhịp nhàng giữa ‘tâm’ và ‘trí’, giữa 'cái đầu lạnh' và 'một trái tim nóng'.
Sau 14 năm tiếp quản (năm 1998 – năm 2012), bà Phạm Thị Việt Nga nâng lợi nhuận ròng của Công ty Dược Hậu Giang (DHG) lên 24 triệu USD, được Forbes - tạp chí uy tín hàng đầu thế giới bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á.
Hãy cùng nghe người phụ nữ ‘quyền lực’ Phạm Thị Việt Nga bật bí kinh nghiệm trên con đường thành công của mình.
‘Một trái tim nóng’ + ‘một cái đầu lạnh’
‘Trái tim nóng’ ở đây chính là ‘Tâm’, ‘cái đầu lạnh’ tức là ‘Trí’. Nguyên tắc làm việc của bà Nga là phải luôn điều hòa nhịp nhàng giữa ‘tâm’ và ‘trí’. Một khi đã bắt tay vào làm việc thì phải làm việc hết mình, cố gắng hết mình. Ngọn lửa đam mê và hết lòng với công việc của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) DHG còn cháy lan sang đội ngũ cộng sự. Từ người đứng đầu đến toàn bộ hệ thống làm việc của DHG, ai ai cũng nuôi trong mình đầy ắp nhiệt huyết khám phá trinh phục kho tri thức nhân loại không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh trí tuệ sắc bén thì người làm thuốc như bà cần phải đặt cái tâm lên hàng đầu. Phải vừa tâm huyết với nghề làm thuốc, vừa quan tâm chia sẻ với cán bộ công nhân viên, đặc biệt là có tâm với người tiêu dùng, khách hàng. Nói tóm lại là cái tâm chia sẻ khó khăn với mọi người trong xã hội.
Phạm Thị Việt Nga - chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang: 'Tôi tâm niệm 2 chữ Tâm và Trí'.
Nói thì đơn giản, kết hợp hài hòa giữa ‘tài’ và ‘đức’ trong kinh doanh ngành thuốc là chuyện không hề dễ dàng. Bằng chính kinh nghiệm thực tiễn gần 15 năm lãnh đạo DHG, bà Nga chia sẻ: ‘Tôi nghĩ mình thành công vì luôn cố gắng hết mình, nỗ lực hết mình và tâm niệm hai chữ Tâm và Trí...’.
Không cho phép mình gục ngã trước mọi khó khăn
Đi lên từ cái gốc là xí nghiệp liên hiệp ngành dược Đồng bằng sông Cửu Long, những ngày đầu DHG gặp muôn vàn khó khăn từ thiếu nguồn nhân lực, đầu ra của sản phẩm,… nhưng cũng không làm người phụ nữ này thối chí. Bỏ qua mọi sự can ngăn của bạn bè và người thân, bà nhận lời tiếp quản DHG và lên kế hoạch chi tiết cho DHG theo ‘nước cờ’ mới . Bà Nga sẵn sàng vay cả ‘núi’ tiền, đến kỳ nhìn ‘xe tiền đi trả lãi’ để đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu bào chế thuốc mở rộng quy mô sản xuất.
Sau khi đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho công ty nhưng chuyện làm ăn lại không xuôn xẻ, trong tâm trí người tiêu dùng chỉ coi DHG là ‘hàng tỉnh mà đòi so với hàng trung ương’ chứ đừng nói đến thuốc ngoại. Đã dám đương đầu với khó khăn khi tiếp quản, thì thử thách này đâu có thể làm bà Nga gục ngã.
Có những lúc ‘…tôi từng làm việc không ngừng nghỉ trong 7 ngày đêm liên tục…’ – bà Nga chia sẻ, tìm ra ‘nước đi’ phá thế ‘bủa vây’ trong suy nghĩ khách hàng về sản phẩm của công ty. Hôm nay, ước mơ ‘chỗ nào có người bệnh là chỗ đó có Dược Hậu Giang’ của bà cơ bản được hoàn thành, sản phẩm DHG có số lượng nhiều, chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng và vùng phủ rộng không chỉ khắp cả nước mà mà còn xuất khẩu sang Lào, Capuchia, Hong Kong.
Tuyệt đối không dùng ‘hạ sách’ giảm lương nhân viên
Mình bà Nga thắp ngọn lửa thì lượng nhiệt không đủ để sưởi ấm DHG, chủ tịch HĐQT đã truyền lửa cho toàn bộ hệ thống cộng sự của công ty. Trong những lúc công ty phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguyên tắc vượt qua của bà Nga là tuyệt đối không được dùng ‘hạ sách’ giảm lương của cán bộ công nhân viên chức. Bà luôn tâm niệm đảm bảo đời sống của cộng sự được đầy đủ thì họ mới có thể dốc toàn tâm lực cống hiến cho công ty.
Cách ‘chăm sóc’ riêng của bà hết sức chu đáo: ‘Tôi thường viết thư chia sẻ với nhân viên khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Có khi tôi viết bức thư dài đến 5 trang gửi cho đồng nghiệp đang gặp vấn đề. Tôi thường viết vào ban đêm để không ảnh hưởng tới thời gian làm việc’.
Chủ tịch HĐQT DHG không quên viết từng bức thư riêng chúc mừng sinh nhật nhân viên. ‘Mỗi nhân viên có hoàn cảnh sống khác nhau nên mỗi bức sẽ có cách chúc khác nhau’ - bà Nga tận tình chia sẻ.
Nguyễn Thu
Đăng nhận xét