Tin cập nhật

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Nữ Doanh nhân xinh đẹp Cao Thị Thương vinh dự dành Á Quân 2 cuộc thi TopFace BNI Việt Nam 2017 tại TP. HCM

 Tối ngày 14/07/2017, trong khuôn khổ cuộc thi Top Face BNI VN 2017 nữ Doanh nhân xinh đẹp Cao Thị Thương – Chủ tịch HĐQT Hệ thống Royal Beauty Spa đã có màn trình diễn xuất sắc trong trang phục áo dài mang quốc kì Việt Nam của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam gây ấn tượng mạnh mẽ trước sự có mặt của hơn 1000 Doanh nhân đến từ khắp mọi miền tổ quốc, và Quốc tế diễn ra tại TRUNG TÂM HỘI NGHỊ WHIT PALACE - 194 Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Doanh nhân Cao Thị Thương – Chủ tịch HĐQT Royal Beauty Spa (đứng bên trái) chụp hình cùng Chủ tịch BNI Việt Nam ông Hồ Quang Minh

(hơn 1000 Doanh nhân Việt Nam, Quốc tế góp mặt trong chương trình)

Đây là lần đầu tiên cuộc thi Top Face BNI VN 2017 được tổ chức dành cho các cặp đôi  là Doanh nhân trong cộng đồng BNI. Vòng chung kết, 16 nữ Doanh nhân đã cùng nhau trình diễn  bộ sưu tập áo dài được lấy cảm hứng từ lá quốc kỳ của các quốc gia trên thế giới mang tên “Thế giới như tôi thấy” của nhà thiết kế áo dài hàng đầu Việt Nam - Đỗ Trịnh Hoài Nam. Mỗi nữ Doanh nhân đều mang một phong cách riêng, một vẻ đẹp riêng nhưng nổi bật nhất và được nhiểu người chú ý là doanh nhân Cao Thị Thương trong trang phục áo dài quốc kì chủ nhà Việt Nam. Với ngoại hình mang vẻ đẹp đậm chất Á Đông kết hợp cùng tà áo dài Việt, nữ Doanh nhân thu hút mọi ánh mắt của mọi người với vẻ đẹp quyến rũ, phúc hậu và cao sang của mình.

(Doanh nhân Cao Thị Thương nổi bật trong trang phục áo dài Quốc kỳ Việt Nam)

Doanh nhân Cao Thị Thương chia sẻ rằng, đã gắn bó với nghề làm đẹp đã gần hai chục năm, nhưng chưa bao giờ ngừng đam mê làm đẹp cho đời. Với phương châm “Đẹp không phải là đặc quyền của những phụ nữ giàu có mà là của tất cả mọi người xứng đáng được đẹp hơn và hạnh phúc hơn”, chị luôn đồng hành cùng chị em phụ nữ trên con đường thực hiện quyền làm đẹp và khao khát được đẹp của mình.

Là người phụ nữ hiện đại nhưng nữ Doanh nhân Cao Thị Thương lại luôn có cảm hứng với những giá trị truyền thống, đặc biệt là với tà áo dài Việt Nam. Đến với cuộc thi Top Face BNI VN 2017, nữ Doanh nhân luôn tự hào khi được khoác lên mình bộ áo dài được thiết kế đặc biệt từ NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Với Cao Thị Thương, áo dài không chỉ là một trang phục làm toát lên vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của người phụ nữ mà nó còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc VIệt. Và thông qua chương trình Top Face BNI 2017 lần này chị muốn đem vẻ đẹp ấy lan tỏa đến bạn bè cộng đồng Quốc tế, ra khắp năm Châu để mỗi khi nhắc tới Việt Nam, ai cũng nhớ đến tà áo dài và ngược lại, nhìn thấy áo dài là thấy hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
(Doanh nhân Cao Thị Thương cùng NTK áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam(áo đen) và các Doanh nhân BNI khác)

Top Face BNI VN 2017 khép lại nhưng chắc hẳn chẳng một ai có thể quên hình ảnh một nữ doanh nhân xinh đẹp, tài năng Cao Thị Thương trong tà áo dài truyền thống nhưng không thiếu nét hiện đại. Đó là hình ảnh đẹp, rạng rỡ nhất của một người phụ nữ “vẹn bên tài, toàn bên đức”.

Cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh của nữ Doanh nhân Cao Thị Thương!






Theo Nhân tài Việt Nam

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

CEO Viettel chia sẻ cách nghĩ để Việt Nam có thể trở thành một "dân tộc lập trình"

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thay vì nghĩ "khó" tức đòi hỏi thị trường có hàng loạt lập trình viên trình độ như FPT hay Viettel thì chỉ cần nghĩ khác, mỗi người dân cần biết lập trình cơ bản để giải bài toán của chính bản thân, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một "dân tộc lập trình", đón sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cách đây ít lâu, rất nhiều doanh nghiệp lớn, chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã ngồi lại với nhau bàn về câu chuyện cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đã trở thành một xu thế tất yếu, không thể cưỡng lại được, cho dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn.
Một trong những vấn đề đó, đến từ chất lượng nguồn nhân lực. Đánh giá về nguồn nhân lực của Việt Nam trong thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng không ít lần buông tiếng thở dài. Nhưng rồi cơ hội đến trước mắt, không “đón sóng” sao được?
Số hoá từ trường học đến doanh nghiệp
Trong lần gặp gỡ một tỷ phú ở New York, TS. Lê Xuân Nghĩa đã mang chuyện nhân lực trước làn sóng 4.0 ra trao đổi. Vị này nhận xét, vấn đề giờ không chỉ đơn giản là đào tạo công nghệ thông tin, điều quan trọng là phải biến tất cả những gì chúng ta biết thành số hoá.
Ví dụ, ở các trường đại học, những môn học quen thuộc phải thay đổi, đào tạo sinh viên dưới dạng số hoá, như thế mới bắt kịp được xu hướng.
“Vẫn những kỹ năng đó, vẫn kiến thức đó nhưng phải được thay đổi cách thức, phải số hoá chúng”, vị tỷ phú nói.
Ông cũng nói thêm rằng các doanh nghiệp dần cũng phải số hoá toàn bộ quy trình quản lý. Bởi chỉ như thế mới dần tạo ra nếp suy nghĩ, phương thức hành động hay thói quen để phát triển mạnh mẽ hơn.
Toàn dân lập trình nhờ... tham gia "nghĩa vụ quân sự bắt buộc"
Theo nhiều chuyên gia, để đón đầu được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần một nguồn nhân lực là kỹ sư lập trình. Nhưng để đào tạo ra hàng loạt lập trình viên lại là một bài toán khó.
“Lập trình viên cấp cao nếu theo cách nghĩ thông thường thì Viettel chúng tôi chỉ có vài nghìn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Viettel nói.
Ông cho rằng nếu nhìn nhận cần có một đội ngũ đông đảo lập trình viên trình độ như FPT hay Viettel là rất khó, thậm chí là không khả thi, nhưng “chỉ cần nhìn khác đi một chút thì...”.
Đó là việc mỗi người Việt Nam cần phải trở thành một lập trình viên ở một dạng ngôn ngữ cao, phục vụ cho chính bản thân, nhu cầu công việc của mình và kết nối được vào Internet.
“Lập trình ở mức đấy thì rất đơn giản, chúng ta nên đặt vấn đề trở thành nguồn nhân lực số ở khía cạnh này”, CEO Viettel nói.
Lấy ví dụ ở nghề báo, ông Hùng cho rằng nghề này rất cần lập trình. Bởi lẽ ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, nếu làm báo chỉ thuần đưa tin thì sẽ không còn là làm báo nữa.
“Có quá nhiều người làm vậy rồi, làm báo bắt buộc trở thành người phân tích tin, phải xử lý dữ liệu, mà như thế cần có khả năng lập trình”, ông Hùng phân tích.
Thay đổi đề bài đồng nghĩa với thay đổi cách giải toán. Theo đó, CEO Viettel dẫn ra câu chuyện của những nước đã “hoá rồng” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 như Israel, Singapore hay Hàn Quốc và nhận thấy ở họ đều có điểm chung: “Thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc”.
“Giả sử Việt Nam cũng có chính sách ấy thì sẽ tạo ra một tinh thần kỷ luật dân tộc. Bên cạnh đó, 9 tháng trong môi trường quân đội nếu dành ra 1-3 tháng dạy lập trình thì rất nhanh chóng chúng ta có một dân tộc lập trình. Đây là bài toán mang tính dễ làm, dễ hơn rất nhiều so với cải cách giáo dục hay xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế”, CEO Viettel nhận xét.
CEO Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng chúng ta cũng nên chia ra làm 2 loại lập trình viên, một là “cao cấp” như FPT chuyên làm những dự án hợp tác với nước ngoài, và một loại khác, lập trình để giải bài toán của cá nhân bằng những ngôn ngữ rất cao.
“Như vậy, trong thời gian ngắn Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc lập trình công nghệ số”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Trí thức trẻ

Việc tặng sách của ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải nói là rất đáng quý!

Việc tặng sách của ông Vũ phải nói là rất đáng quý. Tuy nhiên, liệu điều này có giúp cho giới trẻ Việt Nam tự thay đổi để tiến bộ hơn không?
Trung Nguyên là một doanh nghiệp đặc biệt. Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm cà phê, Trung Nguyên còn được nhắc đến bởi tư duy đáng chú ý của người chủ công ty, ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ngoài việc kinh doanh, vị doanh nhân này thường xuyên đăng đàn cổ vũ thanh niên ra sức sáng tạo, lập nghiệp để thành công. Không dừng lại ở lời nói, ông Vũ còn hiện thực hóa lời kêu gọi của mình bằng nhiều cách, ví dụ như kế hoạch in 100 triệu cuốn sách để tặng cho giới trẻ.
Tất nhiên, đây đều là những đầu sách có bản quyền và Trung Nguyên chắc chắn phải tốn không ít chi phí. Có thể kể ra một số tựa sách nổi bật trong đó như “Khuyến học”, “Nghĩ giàu làm giàu”, “Quốc gia khởi nghiệp”, “Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách” hay “Đắc nhân tâm”. Nếu đây chỉ đơn thuần là một hình thức marketing, thì rõ ràng việc tặng 100 triệu cuốn sách cho 23 triệu thanh niên Việt Nam của Trung Nguyên sẽ là chiến lược marketing mà không phải doanh nghiệp nào cũng dám thực hiện.

Đặng Lê Nguyên Vũ.
Nhưng có lẽ ông Vũ còn nghĩ xa hơn thế. Thống kê thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 cho thấy, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp là 177.700 người; cử nhân cao đẳng thất nghiệp là 100.600 người. Ðây là tình trạng đáng báo động, khi một lượng lớn người trẻ vẫn đang quá thụ động với tương lai của chính mình. Phải chăng qua những đầu sách của mình, ông chủ của Trung Nguyên muốn trao công cụ có thể giúp giới trẻ xây dựng suy nghĩ, nhiệt huyết để thành công?
Theo công bố của Trung Nguyên, từ năm 2012 đến nay, Công ty đã tặng hơn 1,5 triệu cuốn sách. Riêng trong năm 2015, tập đoàn này có kế hoạch tổ chức trên 100 sự kiện tặng sách tại 22 tỉnh và thành phố, dự kiến thu hút hơn 500.000 thanh niên tham gia. Người trẻ tham gia sẽ được những nhân vật thành công chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế, bài học và các quyết định đã thay đổi cuộc đời họ.
Cách tặng sách của ông Vũ phải nói là rất đáng quý. Tuy nhiên, liệu việc làm này có tác động hiệu quả và khiến cho giới trẻ Việt Nam tự thay đổi để tiến bộ hơn hay không? Sẽ khó đong đếm được điều này, nhưng có một thực tế rằng dường như việc làm của ông chủ Trung Nguyên ở thời điểm này là quá sớm và cũng quá trễ.
Quá sớm là vì hiện tại, với thương hiệu cá nhân của mình, liệu Đặng Lê Nguyên Vũ có thể thuyết phục được thanh niên Việt Nam chịu đọc và áp dụng những kiến thức trong sách ông tặng hay không? Người sáng lập Trung Nguyên dù đã có được nhiều thành công trên bước đường kinh doanh, nhưng để có thể trở thành tấm gương khiến ai cũng muốn noi theo thì ông vẫn chưa đủ tầm. Ðối với giới trẻ ngày nay, phần lớn sẽ chỉ bắt đầu chú ý khi người lên tiếng là những bậc vĩ nhân kinh doanh tầm thế giới như Bill Gates, Jack Ma hay Richard Bransons.
Nhưng, việc tặng sách của ông Vũ vào lúc này cũng là quá trễ, trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ và kiến thức con người phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các thiết bị điện tử thông minh. Văn hóa đọc sách, nhất là sách dạy kinh doanh, chỉ chiếm số ít trong giới trẻ Việt.
Không chỉ có vậy, ngay cả việc tặng sách này cũng chưa thật sự được tất cả mọi người ủng hộ. Thậm chí, thông điệp tặng sách của Trung Nguyên còn từng bị một bộ phận cộng đồng mạng chỉ trích về câu từ. Với kinh phí đầu tư phi lợi nhuận quá lớn, chuyện ông Vũ có kham nổi việc tặng 100 triệu cuốn sách theo đúng kế hoạch hay không vẫn còn ở tương lai.
Dù sao, ước mơ của ông Vũ vẫn rất đáng được trân trọng. Người ta thường nói ông chủ của Trung Nguyên hay phát biểu ngông, nhưng rõ ràng với những việc làm thiết thực của mình, ông Vũ đã và đang xây dựng hình ảnh bản thân trở thành một doanh nhân vì cộng đồng thực sự. Hãy cho ông thêm thời gian.
VUA/Nhịp cầu đầu tư

 
DIỄN ĐÀN CHỦ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Diễn đàn Chủ doanh nghiệp. Designed by OddThemes